
Tôi tình cờ mua cuốn sách này trong ngày Lễ hội sách ở trường con gái.
Chắc hẳn có nhiều người còn tò mò, trăn trở hay đưa ra những câu hỏi kiểu: ” Ta đến từ đâu? Ta sẽ sống đời đời hay sẽ trở thành hư vô?…. Rất nhiều câu hỏi xoay quanh đề tài này khiến nhiều người tuy đang sống nhưng vẫn luôn sống trong nỗi bất an và sợ cái chết đến.
Nếu bạn cũng có những trăn trở như vậy hãy cùng tìm hiểu cuốn sách này xem phân tích của thầy Thích Nhất Hạnh nhé! Chúng ta cần tìm hiểu để loại bỏ hạt giống “sợ hãi” bên trong ta. Qua cuốn sách thiền sư muốn giúp ta hiểu sâu về các khái niệm như: vô thường, vô ngã, niết bàn….. cách chuyển hóa khổ đau và sợ hãi, thực hành phép thực tập địa xúc để ta hiểu bản chất mọi sự vật không sinh-không diệt, không đến-không đi, không giống-không khác, không có cũng không không.
” Nhiều người trong chúng ta tin rằng cuộc đời của ta bắt đầu từ lúc chào đời và chấm dứt khi ta chết. Chúng ta tin rằng chúng ta tới từ cái không, nên khi chết chúng ta cũng không còn lại gì hết. Và chúng ta lo lắng vì sẽ trở thành hư vô.
Bụt có cái hiểu rất khác về cuộc đời. Ngài hiểu rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thực. Coi đó là những sự thực, chính là nguyên do gây ra cho chúng ta khổ não. Bụt dạy không có sinh, không có diệt, không tới cũng không đi, không giống nhau cũng không khác nhau, không có cái ngã thường hằng cũng không có hư vô. Chúng ta thì coi là có hết mọi thứ. Khi chúng ta hiểu rằng mình không bị hủy diệt thì chúng ta không còn lo sợ. Đó là sự giải thoát. Chúng ta có thể an hưởng và thưởng thức đời sống 1 cách mới mẻ.” Trích câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Trong sách, thiền sư hướng dẫn chúng ta tập cách nhìn sâu. Có rất nhiều câu hỏi hay dẫn chứng mà thiền sư đưa ra như:
– Bạn ở đâu trước khi ra đời?
– Mây sinh ngày nào? Trước khi sinh ra, mây ở đâu?
– Tôi có phải là tôi ngày trước?
– Lửa từ đâu tới? Nguồn gốc của nó là gì?
…………………………………………..
Bụt dạy, ai cũng có Phật tính. Phật tính là khả năng giúp chúng ta hiểu và tiếp xúc được với bản chất của mình. Câu trả lời đã có sẵn trong bạn. 1 người thầy cũng không thể giúp bạn trả lời. Thầy chỉ giúp bạn tiếp xúc được với Chánh niệm, khả năng tỉnh thức lớn ( trí tuệ) và từ bi trong bạn. Bụt mời bạn đi vào trí tuệ mà bạn đã có sẵn.
Những câu hỏi mà chúng ta luôn thắc mắc như:
– Chúng ta đi về đâu sau khi chết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi đó?
– Bây giờ họ ở đâu? Họ đi tới đâu rồi?……
Thiền sư cho rằng: Khi chúng ta nhìn cho sâu, ta thấy rằng nếu đầy đủ nhân duyên, thì sự vật sẽ biểu hiện. Sự biểu hiện đó không tới từ đâu cả. Và khi nó ngừng biểu hiện thì nó cũng không đi đâu hết. Đó chỉ là sự chuyển hóa. Hiểu rằng đời sống của con người và vũ trụ chỉ là những biểu hiện, chúng ta sẽ được bình an vô cùng. Nếu bạn đang đau khổ vì mất 1 người thân thương, xin hãy tập nhìn sâu để hàn gắn vết thương trong bạn. Nếu bạn nhìn sâu vào ý niệm sáng tạo với trí tuệ, hiểu rõ về sự biểu hiện, bạn sẽ khám phá được ý nghĩa sâu xa của chữ sáng tạo. Bạn sẽ thấy rằng không có gì sinh ra, không có gì mất đi, chúng chỉ biểu hiện mà thôi.
Thiền sư có nói về cách tập nhìn sâu nhân duyên tạo nên 1 thứ gì đó. Giả dụ, nhìn vào cái bàn thường chúng ta hay có khuynh hướng muốn tìm ra nguyên nhân ai đã tạo ra cái bàn? Và thường sẽ kết luận do người thợ mộc tạo thành. Đó là cách suy nghĩ đơn giản về nguyên nhân của sự vật. Ta thường cho rằng chỉ cần 1 nhân duyên là đủ đưa tới sự vật kia. Khi thực tập nhìn sâu, ta thấy ngay 1 nguyên nhân không bao giờ có thể tạo ra kết quả được. Người thợ mộc không thể là nhân duyên duy nhất tạp ra cái bàn. Nếu ông ta không có những dụng cụ như: đinh, cưa gỗ, thời gian, không gian, thức ăn, không có cha mẹ sinh ra ông và bao nhân duyên khác, thì làm sao ông có thể tạo ra cái bàn được? Còn số các nguyên nhân đó nhiều vô kể.
Khi nhìn vào bông hoa, chúng ta cũng thấy như vậy. Người làm vườn chỉ là 1 nguyên nhân. Phải có đất, có mặt trời, đám mây, có phân bón, hạt giống và nhiều, nhiều thứ khác. Khi nhìn sâu, bạn sẽ thấy rằng cả vũ trụ đã cùng giúp cho bông hoa biểu hiện. Nếu tiếp tục nhìn sâu, ta sẽ thấy nguyên nhân của sự vật này đồng thời cũng là 1 kết quả của nhiều thứ khác.
Thiền sư đã nhấn mạnh: “ cái này có vì cái kia có” tức là sự vật nào cũng nhờ tất cả các thứ khác mới biểu hiện ra được. 1 bông hoa phải nhờ các yếu tố không phải là hoa như: ánh sáng mặt trời, đám mây, muối khoáng, đất, người nông dân…đã giúp cho bông hoa biểu hiện.
THỰC TẬP NHÌN SÂU.
Tất cả các giáo pháp chính thống của đạo Bụt đều có 3 yếu tố căn bản gọi là Tam pháp ấn bao gồm:
– Vô thường
– Vô ngã
– Niết bàn.
Nhìn sâu vào vô thường cho phép ta khám phá ra vô ngã. Khám phá được vô ngã dẫn ta tới Niết bàn. Niết bàn là vương quốc của Thượng đế. Chúng ta cùng phân tích và tập nhìn sâu vào Tam pháp ấn này nhé!
- Vô thường.
+ Vô thường có nghĩa là mọi sự đều thay đổi, không có sự vật nào bất biến trong 2 thời điểm nối tiếp nhau. Hôm nay, khi chúng ta tắm lại trong dòng sông mà ta đã tắm bữa qua, dòng sông đó còn là dòng sông cũ hay không? Nước sông hôm nay hoàn toàn khác với nước sông mà chúng ta tắm hôm qua, dù đó vẫn là 1 con sông.
Sự giác ngộ về vô thường giúp ta vượt thoát được các ý niệm. Nó giúp ta vượt lên trên được ý niệm về giống nhau hay khác nhau, đi hay đến.
+ Vô thường làm cho mọi sự đều có cơ hội. Chúng ta thường buồn rầu và đau khổ rất nhiều khi sự vật thay đổi. Nhưng sự thay đổi, sự vô thường có khía cạnh tích cực của nó. Nhờ vô thường mà mọi sự vật mới có cơ hội. Đời sống nhờ vô thường mới hiện hữu. Nếu hạt bắp không vô thường thì hạt bắp không bao giờ có thể biến thành 1 cây bắp và cũng không thể cho ta trái bắp để ăn được. Nếu con cái chúng ta không thay đổi thì chúng sẽ không thể trở thành những thiếu nữ, thanh niên. Và cháu bạn sẽ không bao giờ ra đời. Vì vậy, thay vì than vãn về vô thường, chúng ta nên nói:” Hoan nghênh vô thường, chúc vô thường mãi mãi”. Chúng ta hãy sung sướng. Khi thấy được phép lạ của vô thường, nỗi đau buồn của chúng ta sẽ qua đi.
+ Chúng ta cần thực tập về vô thường. Khi nhìn sâu và hiểu được bản chất của vô thường, ta có thể quán chiếu về cái hiểu biết sâu xa. Cái hiểu biết về vô thường nên trở thành 1 phần của con người chúng ta. Nó trở thành sự thực tập hàng ngày của ta. Chúng ta phải duy trì sự giác ngộ về vô thường đó để có thể nhìn thấy và sống với vô thường trong mọi lúc. Nếu chúng ta thiền quán về đối tượng vô thường, ta sẽ nuôi dưỡng được tri giác về vô thường khiến cho nó sống trong ta hằng ngày. Nếu ta ý thức được rằng con cái sẽ ở với chúng ta đến khi chúng trưởng thành, kết hôn và có gia đình riêng thì chúng ta sẽ càng biết trân quý những giờ phút này chúng còn đang ở bên ta và khi chúng lớn, rời khỏi vòng tay ta, ta cũng không có cảm giác hụt hẫng, buồn bã. Vợ chồng cũng vậy, bạn nghĩ người bạn đời sẽ ở bên bạn suốt đời? Chúng ta không thể biết được trong hai, ba mươi năm hay trong bao lâu nữa, người bạn đời của ta sẽ ở đâu. Nên hiện giờ, hãy trân quý những giờ phút mà người bạn đời vẫn đang sống bên ta.
Vì vậy, thực tập về vô thường hằng ngày là chuyện thật sự quan trọng.
+ Thiền sư có đưa ra 1 bài kệ giúp chúng ta thực tập như sau:
” Giận nhau trong bản môn
Nhắm mắt nhìn mai sau
Trong ba trăm năm nữa
Người đâu và ta đâu?”
Từ giờ, mỗi khi thấy giận ai đó? Bạn hãy nhắm mắt lại và nhắc lại những câu trong bài kệ trên để tập nhìn sâu, quản lý cảm xúc. Chúng ta không cần nhìn xa tới 300 năm, chỉ cần nhìn sau 50 hay 60 năm, khi chúng ta đều đã qua đời lúc đó bạn và người thân của bạn sẽ ra sao và ở đâu? để ta biết người kia vô cùng quý hóa. Khi thấy chúng ta có thể mất nhau bất cứ giờ phút nào, ta sẽ không còn giận dữ nữa, ta sẽ biết trân trọng, biết ơn khi người đó còn ở bên ta. - Vô ngã.
Vô thường là nhìn vào thực tại trong khía cạnh thời gian.
Vô ngã là nhìn trong bình diện không gian. Đó là 2 mặt của thực tại.
Vô ngã là 1 biểu hiện của vô thường cũng như vô thường là 1 biểu hiện của vô ngã. Mọi sự vật không có cái ngã riêng biệt nên chúng vô thường. Vô thường nghĩa là biến đổi luôn luôn.
Thiền sư cho chúng ta biết: không có thứ gì có thể tự nó hiện hữu được. Nó phụ thuộc vào nhiều thứ khác. Đó là tương tức( sự tương tác), là sự liên quan mật thiết của mọi sự vật, luôn luôn hỗ tương nhau. Nếu ta nhìn sâu vào 1 bông hoa, ta thấy bông hoa không thể tự nó hiện diện được, nó phải tương tức với đất, mưa, cỏ dại và côn trùng. Không có sự hiện hữu độc lập, chỉ có sự tương tức, sự liên quan mật thiết giữa mọi sự vật. Tương tức hay interbeing không phải là hiện hữu hay không hiện hữu mà có nghĩa là không có tự tánh riêng biệt, không có cái ngã độc lập.
Vô ngã cũng có nghĩa là trống rỗng, có nghĩa là không có tự tánh độc lập. Nhưng nó không có nghĩa là chúng ta không hiện hữu tại đây. Chúng ta hay nghĩ, thân này là tôi, là của tôi. Nhưng nếu nhìn cho kỹ, bạn sẽ thấy cái thân bạn cũng là cái thân của tổ tiên, cha mẹ, của con và cháu bạn. Vậy nó không phải là tôi hay của tôi! Thân bạn có đầy đủ các yếu tố khác, vô số những thứ không phải là thân, trừ 1 thứ, đó là cái ngã riêng biệt.
Ngoài ra, vô thường và vô ngã luôn tương tức, tương nhập tức có liên quan hỗ trợ với nhau. Nếu bạn không thấy vô thường trong vô ngã thì đó không phải là vô ngã.
Nếu bạn không thấy vô ngã trong vô thường thì đó không thật là vô thường. Bạn cũng phải nhìn thấy Niết bàn trong vô thường và Niết bàn trong vô ngã.
Nếu tau thấy Niết bàn trong vô thường và vô ngã có nghĩa là ta không bị kẹt vào các ý niệm vô thường và vô ngã. - Niết bàn.
Chúng ta sợ hãi vì các ý niệm về sinh-tử, tăng-giảm, hiện hữu-không hiện hữu. Niết bàn chính là sự ngừng bặt của tất cả các ý niệm và tư tưởng. Nếu chúng ta thoát khỏi hết các ý niệm và tư tưởng, chúng ta có thể tiếp xúc được với niềm an lạc trong bản thể chân thật của ta.
Có 8 ý niệm nuôi dưỡng sự sợ hãi. Đó là ý niệm về: sinh-diệt, đến-đi, khác nhau-giống nhau, có-không. Những ý niệm đó làm cho ta không hạnh phúc. Giáo pháp của Bụt dạy ta 8 ý niệm đối nghịch gọi là 8 không: không sinh-không diệt, không đến-không đi, không giống-không khác, không có cũng không không.

CHUYỂN HÓA KHỔ ĐAU VÀ SỢ HÃI.
Thiền sư đã thật hay khi chọn 1 hình ảnh ẩn dụ về “đám mây” để phân tích kỹ cho ta hiểu.
Bạn đang ngắm nhìn 1 đám mây đẹp bỗng nhưng hình dạng, màu sắc của đám mây đẹp đó thay đổi, có nhiều đám mây khác tụ lại, rồi bầu trời tối sầm và bắt đầu mưa. Không còn đám mây nữa, nó đã biến thành mưa. Bạn bắt đầu than khóc, mong đám mây dễ thương kia trở lại với mình. Nếu bạn biết thực tập nhìn sâu vào các giọt mưa, bạn sẽ thấy đám mây và sẽ không còn than khóc nữa. Trong đạo Bụt có giáo pháp Vô tướng. Tướng là hình dáng bên ngoài của 1 sự vật. Bạn cần thực tập vô tướng để không bị cái bề ngoài của sự vật đánh lừa mình. Khi ta hiểu về vô tướng, ta sẽ thấy hình tướng bề ngoài không phải là tất cả thực tại.
Nếu nhìn sâu vào mưa bạn thấy rằng những đám mây vẫn còn đó, đang cười với bạn. Điều này làm cho bạn sung sướng và bạn có thể ngưng khóc vì bạn không còn bị bám vào hình tướng của đám mây. Khi bạn khóc lóc, quỵ xuống tức là bạn bị vướng vào hình tướng của đám mây. Bạn bị quá khứ buộc chặt và không thể nhìn thấy hình tướng mới.
Khi bạn mất 1 người thương nào và bạn than khóc nhiều quá, thì xin hãy nghe lời gọi của Bụt. Nhìn cho sâu để nhận ra bản chất vô sinh bất diệt, không tới không đi của người bạn thương. Đó là giáo pháp của Bụt dạy về bản chất thật sự của chúng ta.
Chuyển hóa.
Nếu bạn yêu đám mây, mà có cái hiểu sâu xa về nó, bạn biết rằng đám mây là vô thường. Khi bạn yêu 1 người nào, bạn cũng hiểu rằng người đó không thường hằng vĩnh viễn. Nếu bạn bị vướng mắc vào đám mây hay người thương, bạn cần cẩn trọng lắm vì theo luật vô thường, đám mây chẳng mấy chốc sẽ biến thành 1 thứ khác, chẳng hạn như mưa.
Vậy, bạn có thể thực tập dần, có thể nói với đám mây: “ Mây yêu, ta biết ngươi đang ở đó và ta biết 1 ngày kia ngươi sẽ chết đi. Và ta cũng sẽ chết. Ngươi sẽ trở thành 1 thứ gì khác, 1 sinh vật nào đó. Ta cũng biết ngươi sẽ tiếp tục cuộc hành trình, nhưng ta cũng sẽ nhìn thật sâu để nhận ra sự tiếp nối của ngươi, như vậy ta sẽ không đau khổ nhiều quá.”
Nếu bạn quên về vô thường và bị ràng buộc vào đám mây thì tới lúc đám mây chuyển hóa thành mưa, bạn sẽ khóc: ” Trời ơi, đám mây không còn đó nữa, làm sao tôi sống nổi đây?”. Với người thương của bạn cũng vậy.
Bạn rất cần thực tập nhìn sâu. Khi nhìn sâu bạn có thể nhìn ra đám mây trong những hình tướng mới như sương, như mưa. Mưa mỉm cười, ca hát và mưa rơi chan hòa, đầy sức sống, rất đẹp. Mưa nuôi sống các loài thảo mộc và bao loài sinh vật khác. Làm mưa cũng thật tuyệt diệu và mưa chính là sự tiếp nối của mây.
Nhìn từ góc độ đám mây. Mây cũng cần nhận biết được khi mình là mây hay chuyển thành mưa hay sương cũng đều tuyệt diệu hết. Nếu mây nhớ được như vậy, thi khi mây sắp chuyển hóa để tiếp tục sống dưới hình thức mưa, nó sẽ không hoảng sợ. Khi đám mây không bị vướng vào ý niệm sinh-diệt, có-không, thì không có sự sợ hãi. Học từ đám mây, ta có thể nuôi dưỡng sự vô úy. Không sợ hãi là nền tảng của sự an vui. Khi nào còn sợ hãi thì chúng ta không thể có hạnh phúc.
Khi bạn thực tập nhìn sâu, bạn sẽ nhìn thấy bản chất không sinh-không diệt, không có-không không, không đến-không đi, không giống cũng không khác. Khi nhìn được như thế, bạn không còn sợ hãi gì nữa. Bạn sẽ được tự do, không còn tham đắm, hơn ghen. Không sợ hãi là niềm vui tuyệt đối. Khi bạn giác ngộ về cái sợ là bạn được tự do.
Khi bạn có 1 người thân vừa chết đi, bạn sẽ trải qua 1 thời gian vô cùng khó khăn để vượt qua nỗi đau khổ vì mất mát đó. Bạn có thể sẽ khóc hoài. Nhưng hãy nhìn cho sâu. Có 1 thần dược giúp cho bạn vượt qua được nỗi khổ đau đó, để hiểu rằng người thương của bạn không sinh cũng không diệt, không đến cũng không đi.
Chỉ vì hiểu lầm mà ta cho rằng người ta thương kia không còn nữa, nghĩa là đã qua đời. Lý do chỉ là vì ta bị vướng mắc vào 1 hình tướng, 1 trong nhiều biểu hiện của người đó mà thôi. Khi hình tướng kia không còn, thì ta buồn bã. Thực ra, người ta thương vẫn còn đó. Người đó đang ở bên cạnh, đang ở trong ta và cười với ta. Chúng ta không nhận ra người đó. Chúng ta đau đớn vì chúng ta không hiểu. Người thương của chúng ta không mất đi đâu cả. Họ biểu hiện ra 1 cách khác. Khi hiểu được như vậy, chúng ta bớt khổ đau đi nhiều.
Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể xuất hiện dưới các hình tướng khác, trong những điều kiện khác. Người thương của bạn cũng vậy. Không có sinh-có diệt mà chỉ có sự tiếp nối, sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.
BẮT ĐẦU LẠI.
Thiền sư có nhấn mạnh 1 từ khóa quan trọng đó là ” tỉnh thức”. Nếu bạn sống mà không tỉnh thức thì cũng như bạn chết rồi vậy. Bạn không thể gọi đó là đời sống. Nhiều người trong chúng ta sống như người chết vì thiếu tỉnh thức.
Chúng ta cần thực tập để trở về được với thân tâm nhờ hơi thở chánh niệm và bước chân chánh niệm. Nó sẽ tạo ra sự hiện diện thật sự của chúng ta ngay giờ phút này và ở đây, chúng ta sống thật sự. Đó là phép thực tập căn bản của đạo Bụt. Khi bạn ăn, uống, thở, đi hay ngồi bạn đều có thể thực tập sự phục sinh. Luôn luôn làm cho bạn được ở trong hiện tại và ngay tại đây. Chúng ta phải thực tập để thấy được rằng các điều kiện của hạnh phúc đã có mặt tại đây rồi.
ĐỊA CHỈ CỦA HẠNH PHÚC.
Thiền sư đã chỉ cho ta biết địa chỉ mà Thượng đế, chư Bụt và tất cả các vĩ nhân sống ở đâu? Câu trả lời chính là:” Bây giờ và ở đây“. Nếu bạn biết thực tập theo hơi thở và bước đi chánh niệm với câu thần chú:” đã về – đã tới – bây giờ- ở đây“. thì bạn sẽ thấy mình vững chãi và tự do hơn ngay lập tức. Chỉ khi có tự do người ta mới có hạnh phúc. Số lượng hạnh phúc bạn có tùy thuộc vào số lượng tự do mà bạn có trong tâm. Đây không phải là tự do chính trị. Tự do là sự vượt thoát khỏi những tiếc nuối, sợ hãi, lo âu và buồn phiền. Bạn hãy luôn thực tập với câu thần chú:” Đã về, đã tới, bây giờ, ở đây” này nhé!
Khi bạn đến được địa chỉ” Bây giờ và ở đây” bạn sẽ cảm thấy ” Vững chãi, thảnh thơi”. Bạn sẽ được bình an. Nuôi dưỡng sự vững chãi và thảnh thơi là món quà quý nhất chúng ta có thể tự cho mình.
Chúng ta thường chạy đuổi ban ngày và chạy cả trong giấc ngủ. Chúng ta không biết cách ngừng lại. Trước tiên chúng ta thực tập để biết ngừng, sau đó là buông thư, bình tâm và định tâm lại. Khi ta làm được như vậy là ta trở về được địa chỉ Bây giờ và ở đây. Và chúng ta sẽ vững chãi.
SỢ HÃI, CHẤP NHẬN VÀ THA THỨ. PHÉP THỰC TẬP ĐỊA XÚC.
Ở phần này thiền sư nhấn mạnh và hướng dẫn chúng ta Phép thực tập địa xúc ( lạy xuống sát đất) để ta có thể tiếp xúc được với bản chất vô sinh, bất diệt. Từ đó bạn sẽ dứt hẳn được các mối lo sợ. Bạn sẽ trở thành con người cưỡi trên sóng sinh tử 1 cách oai phong vì bạn không còn bị sợ hãi và phiền giận lay động nữa.
- Bạn cần nhận thức rõ điều này. Trong bạn có tổ tiên huyết thống và tổ tiên tâm linh. Bạn được tiếp xúc với sự hiện diện của cha mẹ, ông bà, cụ cố trong từng tế bào của cơ thể bạn. Ngay cả các khoa học gia cũng cho rằng tổ tiên bạn còn trong bạn, trong các gien di truyền, nghĩa là trong từng tế bào của bạn.
Và với thế hệ con cháu của bạn sau này. Bạn cũng sẽ hiện diện trong từng tế bào của chúng. Và 1 điều hay nữa là bạn cũng hiện diện trong những người thân quen mà bạn đã tiếp xúc. Đây chính là tổ tiên huyết thống trong bạn. - Tổ tiên tâm linh cũng có trong bạn vì bản chất trời sinh của bạn và sự dưỡng dục bạn nhận được là 2 thứ không thể tách rời. Dưỡng dục thay đổi bản chất di truyền. Tâm linh và sự tu học của bạn, là 1 phần của đời sống hằng ngày, cũng có mặt trong từng tế bào của bạn. Vậy nên các vị thầy tâm linh cũng có trong mỗi tế bào của bạn. Bạn không thể chối bỏ sự hiện hữu của họ. Có những vị tổ mà bạn ngưỡng mộ nhưng cũng có những vị tổ mang nhiều tính tiêu cực cũng như 1 số người có những cha mẹ tuyệt vời và cũng có những người có cha mẹ đau khổ. Dù thế nào họ vẫn là tổ tiên của bạn.
Thiền sư tiếp tục nhấn mạnh về từ khóa “Chấp nhận“. Chúng ta cần quay về với chính mình và ôm lấy tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Bởi họ là 1 thực tại và họ có đó. Họ là 1 phần thân thể và tâm hồn của chúng ta.
Khi bạn thực hành phép thực tập địa xúc thì:
- Lần lạy xuống đất lần thứ nhất chính là bạn hãy chấp nhận vô điều kiện tất cả tổ tiên với bản chất của họ ( cả tích cực và tiêu cực). Đây là bước đầu để mở được cánh của kỳ diệu của tha thứ. Vừa lạy ta vừa thực tập thở chánh niệm. Thở vào, thở ra, bạn quán tưởng hình ảnh của tổ tiên, bạn sẽ nhìn thấy ưu, nhược điểm của họ. Hãy quyết tâm chấp nhận tất cả đều là tổ tiên của mình, không ngần ngại gì hết. Khi bạn thực hành lạy xuống sát đất hãy để 2 đầu gối, 2 tay, trán đều tiếp xúc với đất. Nếu giữ được tư thế lạy đó trong 5-10 hay 15 phút để nhìn sâu và thực nghiệm sự chấp nhận nó.
- Bước thứ 2 trong phép địa xúc này là nhìn xuống các hậu sinh của bạn như: con, cháu ruột, cháu họ. Bạn nhìn thấy bạn trong tổ tiên và cũng nhìn thấy bạn trong con cái. Nhờ con cái bạn có lối đi tới tương lai. Nếu bạn gặp khó khăn với con trai hoặc con gái của mình. Có thể bạn nói những lời không đẹp với con của mình. Nếu bạn tập nhìn sâu, bạn sẽ thấy những hạt giống bất thiện kia cũng có ở trong bạn. Bạn cần chấp nhận , thực tập lạy sát đất cũng là con đường dẫn tới sự hòa giải giữa bạn với con.
- Bạn hãy luôn thực tập địa xúc trong sự tỉnh thức 1 ngày vài lần, hãy mở lòng chấp nhận cả hành động tốt cũng như khiếm khuyết của tổ tiên cũng như con cháu bạn. Các vị tổ tiên tâm linh, tổ tiên huyết thống, các hậu duệ tinh thần và máu mủ của bạn đều là 1 phần trong bạn. Bạn là họ và họ là bạn. Bạn không có 1 tự tánh riêng biệt.
- Phần này thiền sư hướng dẫn ta cách đối diện với nỗi sợ hãi bằng bài tập thiền.
Thiền sư có phân tích cho ta Phép thực tập địa xúc không chỉ hiện diện ở phạm vi thời gian mà còn ở phạm vi không gian. Như cái cây tưởng chừng là bên ngoài ra nhưng thực ra cây cũng có trong ta. Nhờ cây ta mới có thể thở và tồn tại được. ( Đây chính là thực tập cái lạy thứ 2).
Có 1 ý này thiền sư nhắc đến đó là xung quanh ta luôn có những vị Bồ Tát như Bồ Tát Quán Âm của hạnh biết lắng nghe, Bồ Tát Phổ Hiền của hành động, Bồ Tát Văn Thù của hiểu biết, Bồ Tát Địa Tạng. Nếu ta biết quan sát, nhìn sâu cuộc sống đời thường xung quanh ta. Ta sẽ tìm được những vị Bồ Tát đó trên thế giới này. Họ không phải là Thượng Đế hay các nhân vật từ thời xa xưa. Họ là những con người bằng xương bằng thịt chung quanh ta. Họ có rất nhiều năng lượng hiểu biết, yêu thương, và chúng ta sẽ được hưởng khi gần họ. Ví dụ như:
+ Mẹ Tereza luôn đi giúp đỡ các trẻ em nghèo cũng đươc coi như 1 vị Bồ Tát.
+ Chúng ta tiếp xúc được với những con người thật có tràn đày tình thương và quyết tâm, có thể hiểu được nỗi đau của người khác và thương họ, là chúng ta đã tiếp xúc được với Bồ Tát Đại trí.
+ Bồ tát Quán Âm biết lắng nghe cũng có ở quanh ta. Như các nhà trị liệu tâm lý. Và kể cả chúng ta. Nếu chúng ta biết lắng nghe người khác, con cái hay cha mẹ thì đức Quán Âm đã có mặt trong ta rồi.
+ Bồ Tát Diệu Âm có thể dùng âm nhạc và bài hát để thức tỉnh mọi người. Như những nhạc sĩ, ca sĩ.
………
Chúng ta cần tiếp xúc với các vị Bồ Tát hiện tại, ngay tại đây chứ không chỉ thắp nhang và cầu nguyện họ mà thôi. Bởi nếu ta thực sự tiếp xúc đc với họ ta sẽ nhận được nhiều năng lượng, ta thấy họ có mặt trong ta, và ta là tiếp nối của họ, trong cả thời gian và cả không gian. Ta cần sống thế nào để đưa được hạt giống trí tuệ có thể biểu hiện ra. Chúng ta nên thực tập nói năng, hành xử như 1 Bồ tát ngay bây giờ.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần thực tập để ôm ấp, giúp đỡ cả những người đau khổ ngoài kia. Những người mà như mọi người nghĩ có thể vì hoàn cảnh mà trở thành những con người không tốt, hại người khác. Chúng ta cũng không nên bỏ mặc họ. Bởi xét cho cùng, chúng ta không có tánh riêng biệt, và tất cả chúng ta đều có tương quan đến nhau. Lối sống của ta có ảnh hưởng đến mọi chuyện. Chúng ta hãy thực tập góc nhìn mới: Tất cả các khổ não của thế gian là của chúng ta. Chúng ta phải nhìn mình là họ và họ là mình. Khi ta nhìn thấy họ khổ đau, 1 mũi tên của hiểu biết và thương yêu xuyên vào tim ta. Ta có thể thương họ, ôm lấy họ và tìm cách giúp họ. Ta chỉ có thể làm vậy khi không bị tràn ngập bởi tuyệt vọng về tình trạng của người kia, hay của chính mình.
Khi chúng ta bắt đầu hiểu được rằng chúng ta là tất cả mọi sự vật thì cái sợ trong ta biến mất. Chúng ta đã tiếp xúc sâu sắc được với các bình diện không gian và thời gian.
Ở lần lạy thứ 3 sẽ giúp ta buông bỏ cái nhìn thân này là ta, buông bỏ ý niệm ta là 1 chủ thể có sinh có diệt.
Khi mới thực tập cái lạy thứ 3 ta có thể đọc hay nhắc đi nhắc lại những câu sau: ” Tiếp xúc với đất, con loại bỏ ý nghĩ con là cái thân này và thọ mạng của con có giới hạn. Con nhìn thấy cái thân này làm bằng tứ đại không thật sự là con và con không bị giới hạn vào trong thân ấy . Con là 1 phần của 2 dòng sinh mạng huyết thống và tâm linh đã hàng ngàn năm truyền tới ngày nay và còn truyền đi trong tương lai hàng ngàn năm nữa. Con là 1 với tổ tiên, là 1 với tất cả chúng sinh, dù họ đang an lạc, vô úy hay họ đang đau khổ sợ hãi. Trong phút giây này con đang có mặt khắp nơi trên thế giới. Con cũng đang có mặt trong quá khứ và tương lai. Sự tàn hoại của thân xác này không động được tới con…Pháp thân và trí tuệ của con không sinh cũng không diệt. Con nhìn thấy con trước khi thân con biểu hiện và sau khi thân con tan rã. Ngay giây phút này, con cũng thấy con đang hiện diện bên ngoài thân này. Bảy mươi, tám mươi năm không phải là tất cả cuộc đời con. Thọ mạng của con cũng như chiếc lá, của các vị Bụt, không bị giưới hạn bởi thời gian. Con đã vượt qua được ý niệm cho rằng cái thân này là 1 thực thể riêng biệt với thời gian và không gian.”
Nếu tu tập như thế, bạn sẽ không còn thấy mình bị chia cách với người thương khi họ chết nữa. Khi có cái thấy sâu sắc, bạn sẽ không còn cảm thấy bơ vơ. Thiền sư nói rằng: ” Hằng ngày tôi thường nhìn sâu vào mọi thứ chung quanh tôi: cây cối, đồi núi, bạn bè. Tôi nhìn thấy tôi trong tất cả và tôi biết tôi sẽ không chết. Tôi sẽ tiếp tục sống dưới nhiều hình tướng khác. Khi bạn nhìn tôi, họ cũng nên nhìn thấy tôi trong những hình tướng khác hơn là cái thân này. Thực tập như vậy hằng ngày sẽ giúp cho họ không phải than khóc 1 khi biểu hiện này của tôi biến mất. Vì khi sự biểu hiện này chấm dứt, nó sẽ nhường chỗ cho các biểu hiện khác có mặt.”
Chương cuối cùng của cuốn sách, thiền sư có kể 1 câu chuyện về ông Cấp Cô Độc là đệ tử rất thân cận với Bụt. Ông đã theo Bụt 30 năm, đã được nghe nhiều bài Pháp hay nhưng khi mắc bệnh sắp chết ông mới cảm nhận được mình đã thực tập được và đón nhận cái chết đến với mình rất nhẹ nhàng, thanh thản. Câu chuyện này được ghi lại trong kinh Độ Người Hấp Hối. Thiền sư có đưa ra lời khuyên chúng ta đều nên học hỏi, hành trì kinh này. Xin đừng để tới lúc đụng chuyện sống chết mới học và hành trình kinh đó. Xin hãy tập nhìn sâu ngay bây giờ để có thể tiếp xúc được với bản chất không sinh – không diệt, không đến – không đi, không giống nhau, không khác nhau. Làm được như vậy bạn sẽ hết đau buồn, khổ não. Nếu bạn cố gắng thực tập cho tinh chuyên, bạn sẽ nuôi dưỡng được sự vô úy trong bạn. Bạn sẽ có thể chết 1 cách bình an và hạnh phúc.
Tổng kết lại:
Cá nhân mình thấy việc đầu tiên chúng ta cần hiểu và ghi nhớ thông điệp của thiền sư truyền tải đó là:
- Bản chất thật sự của mọi vạn vật đều là không sinh-không diệt, không đến-không đi, không giống-không khác, không có cũng không không. Bụt dạy rằng khi có đủ nhân duyên thì bạn biểu hiện. Khi nhân duyên không đủ nữa, bạn sẽ ngưng hiện hữu để có thể xuất hiện dưới các hình tướng khác, trong những điều kiện khác. Người thương của bạn cũng vậy. Không có sinh-có diệt mà chỉ có sự tiếp nối, sự chuyển hóa tiếp tục mà thôi.
- Trong mỗi chúng ta ai cũng có hạt giống của khổ đau và lo sợ, sợ cái chết đến. Chúng ta cần thực tập chuyển hóa nỗi sợ đó. Thực tập nhìn sâu vào mọi sự vật sự việc, kết hợp với hơi thở chánh niệm và bước đi chánh niệm.
- Thực hành với từ khóa “chấp nhận”. Chúng ta cần quay về với chính mình và ôm lấy tổ tiên huyết thống cũng như tổ tiên tâm linh của mình. Bởi họ là 1 thực tại và họ có đó. Họ là 1 phần thân thể và tâm hồn của chúng ta.
- Ngoài ra, thực hành Phép thực tập địa xúc ( lạy sát đất). Chúng ta cần thực hiện 3 cái lạy.
+ Trong cái lạy đầu, ta thoát ra được khái niệm mình phân cách với tổ tiên và con cháu của mình. Ta được thoát khỏi ý niệm về thời gian.
+ Trong cái lạy thứ 2, ta vượt qua được khái niệm mình khác với Bụt, Bồ tát và các bậc đại nhân, những chúng sinh đau khổ, súc vật, cây cỏ và đất đá. Ta vượt thoát được ý niệm về không gian.
+ Ở cái lạy thứ 3, ta lạy xuống và buông bỏ cái nhìn thân này là ta, buông bỏ ý niệm ta là 1 chủ thể có sinh , có diệt. Bình thường ta thường nghĩ thân này là ta. Ta nghĩ khi thân diệt thì mình cũng bị hoại diệt. Bụt dạy rất rõ rằng thân này không phải là ta. - Có 1 ý trong cuốn sách cá nhân mình thấy rất hay ở chương cuối cuốn sách. Thiền sư hướng dẫn ta bài thực tập mà cá nhân chúng ta có thể thực tập dần mỗi ngày cũng như hỗ trợ cho những người thân, quen đang trong giai đoạn hấp hối. Giúp đỡ họ, tưới tẩm những hạt giống hạnh phúc vào trong họ như kể lại những kỷ niệm đẹp, mốc thời gian mà họ vui vẻ, hạnh phúc trong quá khứ để họ không bị mắc kẹt với nỗ sợ hãi, mắc kẹt vào ý niệm cái thân ấy chính là họ. Giúp họ đón nhận cái chết trong bình an.
Thiền sư rất nhấn mạnh, mỗi chúng ta dù cuộc sống hàng ngày đang bận rộn cũng nên trích thời gian thực tập. Hãy tập nhìn sâu để hiểu được bản chất thật của sinh tử, như vậy bạn sẽ được chết bình an, không sợ hãi. - Phần cuối sách tác giả có lấy những lời lẽ của Kinh Độ Người Hấp Hối để chuyển thành 1 bài hát. Đó là 1 điệu ru, có thể hát cho người sắp chết nghe, khi họ sắp thở hơi thở cuối cùng. Nếu bạn có người thân cũng đang trong giai đoạn hấp hối. Bạn hãy hát, đọc cho họ nghe để giúp họ thoát được ý nghĩ họ có 1 tự tánh thường hằng dính liền với 1 phần nào đó trong thân thể của họ.Họ sẽ không bị diệt mà tiếp tục biểu hiện trong các hình thái khác nhau.
Mình xin kết thúc bài bằng câu nói rất hay của Thiền sư Thích Nhất Hạnh: ” Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương.”
Cuốn sách này rất nên có trong kệ sách của mỗi gia đình. Cám ơn bạn đã lắng nghe bài tóm tắt này của mình nhé!
Bạn hãy ủng hộ mình bằng cách bấm nút like, đăng ký kênh và chia sẻ link cho người thân để giúp lan tỏa những cuốn sách hay nhé!